I- Đặc điểm tình hình của đất nước và tỉnh Bình Định sau ngày giải phóng 30/4/1975:

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ - cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, đã mở ra kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đứng trước những nhiệm vụ mới đầy thử thách và khó khăn. Đó là nhiệm vụ hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước; nhiệm vụ khắc phục những hậu quả của 30 năm chiến tranh; nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội miền Nam; nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, … Vượt qua biết bao khó khăn thử thách trong những năm 1975 – 1980, được ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12-1976), lần thứ V (3-1982), sau đó là Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986) soi đường, toàn Đảng và quân dân ta tiến bước trên con đường đổi mới đã thu được những thành tựu quan trọng và đáng phấn khởi; làm nền tảng cơ sở vững chắc cho toàn dân tộc tiến tới con đường no ấm, hạnh phúc.

            Sau ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31-3-1975), nhân dân Bình Định vô cùng phấn khởi và tự hào, vừa ra sức ổn định vùng giải phóng, vừa chi viện sức người, sức của tiếp tục làm nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, vừa nhanh chóng giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt nhằm đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới mà thực tiễn cách mạng địa phương đặt ra. Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Nam, sau 20 năm chống Mỹ (5-1955 đến 3-1975), chiến tranh đã để lại cho quê hương Bình Định những hậu quả nặng nề. Hơn 60% số thôn xóm bị đạn, bom, chất độc hoá học tàn phá, hủy diệt, phần lớn trở thành vùng trắng. Hơn 30% diện tích canh tác bị bỏ hoang hoá, cỏ dại mọc lút đầu và còn nhiều bom, mìn. Hơn 30 vạn dân sống trong các khu dồn, “Ấp chiến lược” trở về làng cũ không còn nhà cửa, vườn đất hoang hoá, không có nước tưới phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, không có phương tiện sản xuất, không nguồn sinh sống. Đê ngăn mặn ven đầm Thị Nại bị hư hại nặng làm nước mặn ngập tràn đồng ruộng. Nạn đói đe doạ nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, v.v…

            Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (6-1975) đã đề ra nhiệm vụ: “Ra sức ổn định tình hình vùng giải phóng … vừa nghiên cứu và bắt tay vào công việc xây dựng một cách nhanh chóng, vững mạnh, toàn diện về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, …”; Nhờ đó công tác tiếp quản được tiến hành khẩn trương và thắng lợi. Việc truy quét, trấn áp bọn phản cách mạng được giải quyết một cách tích cực và kịp thời, hơn 72 ngàn ngụy quân, ngụy quyền được đưa đi giáo dục và cải tạo. An ninh chính trị và trật tự xã hội trong tỉnh được giữ vững. Chính quyền cách mạng đã giúp đỡ, sắp xếp cho nhân dân trở về làng cũ, xây dựng lại nhà cửa. Trung ương đã chi viện cho nhân dân trong tỉnh hàng trăm tấn lương thực để ổn định đời sống nhân dân. Trở về làng cũ, vừa giúp nhau trong tinh thần tương trợ “Lá lành đùm lá rách”, nhân dân bắt tay ngay vào sản xuất, khai hoang, phục hóa trên 26.000 héc ta đất; phá gỡ hàng vạn quả bom mìn. Được sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng, nhân dân các thôn xã đoàn kết chung sức dưới các hình thức hợp tác giản đơn, vòng công, đổi công, giúp nhau về giống, nông cụ, sức kéo để kịp thời ổn định sản xuất. Công trình ngăn nước mặn khu đông Bình Định đã huy động gần 44 vạn ngày công, đào đắp 300 nghìn mét khối đất đá, với 30km chiều dài được hoàn thành để đưa hàng ngàn héc ta ruộng vào canh tác.

            Năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau giải phóng, các trường phổ thông cấp I, cấp II được mở lại ở tất cả các huyện, xã, trường phô thông cấp III được mở lại ở thị xã Quy Nhơn và một số thị trấn lớn, thu hút gần 200 ngàn học sinh tới lớp. Các hoạt động thông tin cổ động, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng vốn có trong vùng giải phóng được tiếp tục phát triển và lan rộng trong toàn dân, mang nội dung tiến bộ và cách mạng. Phong trào bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ những phong tục lạc hậu, vệ sinh, phòng bệnh, v.v… được toàn dân tích cực tham gia.

            Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 10-1975, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất lấy tên là Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Quy Nhơn. Một số huyện trong tỉnh cũng được sát nhập, điều chỉnh về địa giới: Bình Khê và Vĩnh Thạnh nhập thành huyện Tây Sơn, huyện Hoài Ân và An Lão nhập thành huyện Hoài An, Tuy Phước và Vân Canh nhập thành huyện Phước Vân; các xã nhỏ cũng được sát nhập thành xã lớn. Cuối năm 1976, trong tỉnh Bình Định có thị xã Quy Nhơn, 7 huyện với 135 xã, 8 phường, dân số 870 ngàn người.

            Ngày 25-4-1976, cùng cả nước, hơn 99% cử tri trong tỉnh hồ hởi phấn khởi tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước (cuộc Tổng tuyển cử lần thứ I tổ chức ngày 23-12-1945). Sau đó chính quyền nhân dân từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố, đồng thời các tổ chức cách mạng trong quần chúng được kiện toàn.

            Tháng 3-1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ nhất (tại thị xã Quy Nhơn) đề ra phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu về khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá xã hội 5 năm (1976-1980). Trong đó, kế hoạch nhiệm vụ hai năm 1977-1978 là tiến hành cải tạo, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá.

            Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư bản tư doanh ở các địa phương trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, đã xoá bỏ căn bản hình thức kinh doanh, bóc lột của giai cấp tư sản và đã tiến hành sắp xếp lại bước đầu sản xuất công nghiệp địa phương, hàng chục xí nghiệp quốc doanh được thành lập đi vào hoạt động có hiệu quả. Trong nông nghiệp, vụ Đông - Xuân 1976-1977 tỉnh tiến hành xây dựng thí điểm hai hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên tại xã Phước Thắng (Phước Vân), sau đó rút kinh nghiệm nhân ra ở tất cả các xã trong tỉnh. Đến vụ Đông - Xuân 1980-1981 toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp với hai hình thức: Hợp tác xã ở nông thôn đồng bằng (hơn 210 đơn vị) và tập đoàn sản xuất ở miền núi (gần 190 đơn vị), thu hút trên 96% số hộ nông dân, tập thể hoá trên 98% diện tích canh tác, gần 70% diện tích đất và gần 60% số trâu bò cày kéo.

Các công trình thủy lợi nhỏ và vừa được triển khai xây dựng ở tất cả các hợp tác xã; Tỉnh đã huy động hơn 5 triệu ngày công làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, sữa chữa nhiều hồ, đập để đảm bảo nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác. Đồng ruộng được cải tạo, nông dân bước đầu áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật như đưa giống mới, bón phân, làm lúa sạ, tăng vụ, xen canh,…nhờ những nỗ lực đó mà diện tích gieo trồng đã đạt 95% kế hoạch, năng suất đạt 44,6 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 250kg…; góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định những năm vừa mới giải phóng.

II- Quá trình thành lập và hoạt động của công ty giai đoạn (1976 – 1989):

            Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về việc khắc phục hậu quả chiến tranh; Cùng với việc giúp đỡ các gia đình mới trở về quê cũ sớm ổn định cuộc sống, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện phải khẩn trương tổ chức tăng gia sản xuất, phát động phong trào khai hoang, phục hoá, tháo dỡ bom mìn, làm thủy lợi, tiến hành điều chỉnh một bước về ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi, khôi phục và phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp. Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác khai hoang phục hoá, đắp đê ngăn mặn của tỉnh và phân công một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo; Tỉnh ủy và Ủy ban đã phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân tiến quân vào mặt trận thủy lợi.

Các phong trào khai hoang phục hoá, làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, tháo dỡ bom mìn, phát triển sản xuất được nhân dân nhiều huyện trong tỉnh tích cực hưởng ứng như Tuy Phước, Phù Cát, Đông An Nhơn và một số nơi ở Bình Khê, Hoài Ân, v.v…

Đến cuối tháng 10-1975, đã có gần 10.000/15.000 ha ruộng đất hoang hoá được khai phá đưa vào sản xuất, nhân dân gieo cấy hơn 2.000 ha lúa, 400 ha hoa màu và trồng 115.160 cây ăn quả các loại.

Công tác thủy lợi, cải tạo đồng ruộng được đẩy mạnh. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh hoàn thành đào đắp tu bổ hơn 30 đập, 40 bờ xe nước, nạo vét hơn 242.000 m kênh mương, đắp 2 km bờ ngự hàm ở xã Cát Minh (Phù Cát) và xây dựng 8 trạm bơm nước.

Trên công trường khai hoang và đắp đê ngăn mặn ở Đông Tuy Phước, Đông Phù Cát hàng ngày có từ 4.000 đến 11.000 thanh niên xung phong và nhân dân tham gia. Sau 3 tháng thi công, ngày 29-8-1975 đê ngăn mặn Đông Tuy Phước và Đông Phù Cát được hoàn thành với tổng chiều dài hơn 40 km và hàng chục cống ngăn nước, đưa hàng vạn mẫu ruộng vào sản xuất. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định những tháng đầu sau giải phóng và là công trình của Đảng bộ và nhân dân Bình Định chào mừng kỷ niệm lần thứ 30 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động hàng vạn ngày công đào đắp các đoạn đê ngăn mặn ở huyện Tuy Phước, dọc sông La Tinh (Phù Mỹ) và các đập nước lớn như: đập Cây Ké (Phù Cát), Bảy Yển (An Nhơn) và hồ chứa nước Phú Khương (Hoài Ân). Ngày 28-7-1975 đập Cây Ké hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho hơn 2.400 mẫu ruộng.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình về việc đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế; Công tác thủy lợi được chú trọng hàng đầu nhằm phục vụ  khôi phục và phát triển nông nghiệp.

Chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác thủy lợi năm 1976 là: “Nhiệm vụ của thủy lợi là phải huy động toàn dân toàn quân và mọi lực lượng sẵn có làm thủy lợi; kết hợp công cụ thô sơ với bán cơ giới và cơ giới; kết hợp lực lượng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khẩn trương làm mới các công trình thủy lợi, khôi phục các bờ xe nước. Tận dụng máy bơm nước sẵn có đồng thời tận dụng mọi phương tiện thô sơ bằng mọi cách; Kể cả đào ao vét giếng, tát, gánh , xách. Ra sức chống hạn cho cả lúa và hoa màu, thực hiện khẩu hiệu “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Đảm bảo diện tích gieo trồng đủ nước, đủ độ ẩm”.

Năm 1976, toàn tỉnh Nghĩa bình đã huy động được trên 3 triệu ngày công làm thủy lợi vừa và nhỏ, sửa chữa, làm mới 4.778 đập nước, 500 km kênh mương, 125 bờ xe nước, nạo vét 21.000 ao, hồ; tiến hành đắp đê ngăn mặn khu Đông dài 40 km, đê ngăn mặn Quang Mỹ, hồ chứa nước Sở Hầu, Thạch Khê (Hoài An), đập Thuận Hạt (An Nhơn) và đập Ông Gấm (Hoài Nhơn) được xây dựng với tổng kinh phí hơn 6 triệu đồng, bảo đảm nước tưới cho 6.000 ha lúa; tiếp tục khai hoang thêm 5.000 ha đất sản xuất. Nhờ làm tốt công tác thủy lợi và khai hoang phục hoá nên ba vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa năm 1976 các địa phương trong địa bàn tỉnh đã gieo cấy vượt kế hoạch, toàn tỉnh Nghĩa Bình cấy được trên 77.000 ha, vượt 3.000 ha so với kế hoạch; năng suất bình quân đạt từ 22,6 đến 23 tạ/ha. Cũng nhờ làm tốt công tác thủy lợi, các huyện miền núi đã vận động 1.200 hộ gia đình với hơn 5.000 đồng bào các dân tộc ở vùng cao định canh, định cư góp phần ổn định đời sống và sản xuất.

Đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên là nhờ Tỉnh ủy, Ủy ban đã đặt vị trí công tác thủy lợi đúng mức, sự cộng tác đắc lực giữa các ban, ngành trong tỉnh, từ tỉnh đến huyện, xã đều nhất trí và quyết tâm lãnh đạo công tác thủy lợi. Cấp ủy, chính quyền các cấp ra tay, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, cán bộ thủy nông năng nỗ với phong trào thủy lợi. Đã phát động, cổ động, giáo dục động viên bằng nhiều hình thức về công tác thủy lợi. Mở những đợt thi đua ngắn ngày làm công tác thủy lợi được rầm rộ, sôi nổi và liên tục dưới nhiều hình thức phong phú; ví dụ như: Ngày hội đào ao chống hạn; Đại hội “Lão nông tri điền” làm thủy lợi; Chiến dịch ra quân Đông xuân làm thủy lợi; Trại hè làm thủy lợi của Thanh niên học sinh các trường cấp III, v.v…Tỉnh đã lấy Bình Sơn làm điển hình chỉ đạo công tác thủy lợi, đưa phong trào thủy lợi các huyện đuổi kịp và vượt Bình Sơn. Lấy công trường XDCB Quang Mỹ làm điển hình thi đua trong các công trường thủy lợi.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi, ngày 01-01-1977, tỉnh Nghĩa bình đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi và khai hoang phục hoá.

* Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định ngày nay có tiền thân từ Ban quản lý thủy nông Sông Kôn được tỉnh thành lập năm 1976; (Đồng chí Nguyễn Văn Bằng làm Trưởng Ban Quản lý thủy nông Sông Kôn).

(Từ 1976-1981: Đơn vị có tên là Ban Quản lý thủy nông Sông Kôn).

Sông Kôn là một hệ thống công trình thủy lợi loại lớn do thiên nhiên tạo nên từ lâu đời, nằm ở phía nam tỉnh; dòng chảy qua các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Phước Vân.

Trong nệ thống thủy nông sông Kôn có 6 công trình kiên cố:

- Thời kỳ Pháp thuộc có đập Thạch Đề (bê tông) 12 cửa, vị trí ở huyện An Nhơn, được xây dựng từ năm 1931 tưới cho 2.260 ha ruộng đất; đến năm 1978 được sự quan tâm của Tỉnh cho đại tu lại và xây dựng thêm 2 cổng điều tiết là Cẩm Văn và Phương Danh để điều hoà nước tưới.

- Đập Bình Thạnh (An Nhơn) có 11 cửa, điều hoà nước tưới cho 6.324 ha.

- Đập Bảy Yển (An Nhơn)  có 24 cửa, điều hoà nước tưới cho 7.554 ha.

- Đập Tháp Mão (An Nhơn) có 8 cửa, tưới cho 175 ha.

- Đập Thuận Hạt (An Nhơn) có 10 cửa, tưới cho 1.950 ha.

- Đập Lão Tâm (Phù Cát) có 18 cửa, tưới cho 500 ha.

Ngoài ra hệ thống thủy nông sông Kôn còn có 29  đập bổi lớn nhỏ nằm trong hệ thống và 20 kênh nhánh cấp 2 chiều dài khoản trên 100 km do địa phương tự làm, quản lý và sử dụng.

Diện tích canh tác trong lưu vực sông Kôn là 63.500 ha; đến năm 1978 -1979 hệ thống thủy nông sông Kôn đã tưới cho 4 huyện với diện tích là 17.169 ha ruộng đất; trong đó diện tích tưới tự chảy là 11.545 ha, diện tích tưới bằng bơm tát là 5.624 ha.

Vụ Đông xuân năm 1980, nắng hạn kéo dài trên địa bàn toàn tỉnh; nhiều hồ chứa nước , đập dâng đến giữa vụ Đông xuân thì cạn; Vì thế công tác chống hạn để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu diện tích cấy được đặt ra rất bức thiết ở các địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ty Thủy lợi đã có chỉ thị và cử nhiều đoàn cán bộ xuống tận cơ sở để chống hạn. Ban quản lý thủy nông đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức điều hoà thích hợp nguồn nước tưới và tổ chức phát động chiến dịch làm thủy lợi chống hạn “cứu lúa như cứu hoả”; đồng thời ưu tiên tập trung giải quyết đủ nhiên liệu cho những ruộng cấy nước bằng bơm dầu.

Ngành thủy lợi đã nêu cao quyết tâm, tập trung sức phục vụ cho phong trào làm thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp;  kết quả đã tu sữa và làm mới được 8.166 ao, giếng; 22 bờ cừ, 181 bờ xe, 1.905 đập bổi, nạo vét hàng nghìn km kênh mương, v.v…với khối lượng đất đào đắp 1.320.530 m3, cát đá sạn 169.605 m3, nhân dân tự đóng góp 352.012 cây tre, 1.750 bó bổi độn, sử dụng 268.000 công làm thủy lợi nhỏ. Phong trào làm thủy lợi đã phát triển mạnh mẽ và đều khắp ở các địa phương trong tỉnh.

Diện tích tưới vụ Đông xuân toàn tỉnh năm 1980 đạt 76.690 ha /86.298 ha diện tích cấy, trong đó tưới chắc là 62.013 ha và tưới chắc bằng công trình kiên cố là 11.577 ha.

Diện tích tưới vụ Hè Thu là 42.000 ha, tưới chắc 35.100 ha và tưới chắc bằng công trình kiên cố là 5.560 ha.

Diện tích tưới vụ Mùa là 38.910 ha, tưới chắc 32.000 ha và tưới chắc bằng công trình kiên cố là 5.417 ha.

Mặc dầu trong điều kiện xăng, dầu có nhiều khó khăn nhưng Tỉnh đã cấp trên 380 tấn xăng và 1.100 tấn dầu để  bơm nước tưới và cứu hạn cho gần 24.000 ha; trong đó mất trắng không thu hoạch hơn 11.000 ha. Mạ gieo cấy vụ Đông Xuân 1980-1981 bị trôi hơn 900 tấn. Mưa lũ đã làm hư hỏng 8 hồ chứa, 24 đập, 5 cống, 1 cầu máng, bồi lấp và sạt lở 22 km kênh mương, 24 km đê và bờ vùng do nhân dân làm; công trình do Nhà nước đầu tư bị xói lở đầu đập Hóc Hảo (Hoài An) làm mất khả năng trữ nước; phần lớn kênh mương bị sạt lở và bồi lấp, v.v… Trước tình hình đó, Lực lượng cán bộ, công nhân quản lý thủy nông đã kịp thời phối hợp với các  ban ngành và địa phương khắc phục nhanh chóng những hậu quả của mưa lũ, để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi tích nước phục vụ cho sản xuất mùa sau.

* Năm 1981 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình đã có Quyết định số 1610/QĐ-UB ngày 30/11/1981 về việc thành lập Công ty Quản lý thủy nông phía Nam tỉnh (từ huyện Hoài Nhơn trở vào) trực thuộc Ty Thủy lợi. (Đ/c Nguyễn Văn Bằng giữ chức vụ chủ nhiệm công ty; Đ/c Nguyễn Sum: Phó chủ nhiệm công ty).

 (Từ 1981-1983: Đơn vị có tên là Công ty Quản lý thủy nông phía nam tỉnh).

Giai đoạn 1881-1982, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức lao động của Công ty quản lý thủy nông phía nam tỉnh gồm 31 người; Hoạt động của đơn vị lúc này cực kỳ khó khăn, khó khăn về cơ chế quản lý bao cấp, khó khăn về cơ sở vật chất, thô sơ về kỹ thuật, thiết bị, phương tiện đi lại, khó khăn vì công trình thủy lợi quá ít ỏi, hầu hết là công trình tạm do nhân dân tự xây dựng phục vụ cho từng địa phương riêng lẻ, chưa có quy hoạch, năng lực hoạt động công trình thấp, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất khi diện tích canh tác ngày càng tăng.

Năm 1982, Công ty quản lý thủy nông phía nam tỉnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch do Ty Thủy lợi giao; Tổng sản lượng thực hiện trong năm là: Thu thủy lợi phí bằng hiện vật 450 tấn thóc giao nộp cho Nhà nước, giá trị tính thành tiền là 1.350.000 đồng. Nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, diện tích lúa tưới cả năm là 31.623 ha, trong đó vụ Đông Xuân 15.323 ha, Hè Thu 12.000 ha, Mùa 4.300 ha; diện tích tưới Màu và cây công nghiệp là 2.000 ha. Tiến hành tu bổ, sửa chữa các công trình thủy nông trong hệ thống như: Đầu khẩu kênh Cẩm Văn, nạo vét khẩu Trung Phái, nạo vét kênh Tháp Mão, v.v…

Kết quả thực hiện tưới tiêu năm 1982 là tích lũy của quá trình tập trung sức làm thủy lợi của nhân dân toàn tỉnh sau hơn 7 năm (1976-1981); thể hiện sự quán triệt và thực hiện tốt những chủ trương đường lối, phương châm phát triển thủy lợi của Trung ương vận dụng vào  thực tiễn tình hình thực tế của tỉnh một cách đúng đắn. Nổi bật nhất là phong trào Hợp tác hoá gắn với phong trào Thủy lợi hoá; tranh thủ phát triển tiểu thủy nông để giải quyết yêu cầu nước trước mắt; đồng thời tập trung sức phát triển công trình thủy lợi vừa và lớn. Thực hiện hài hoà phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Kết hợp với vừa và lớn, xây dựng đi đôi với quản lý khai thác”, v.v… đã tạo được một bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua làm thủy lợi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhờ vậy diện tích tưới, tiêu ngày càng tăng rõ rệt, tạo điều kiện nông nghiệp đi vào thế sản xuất ổn định để thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện  về công tác thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã ngày càng  đúc rút được kinh nghiệm, tập trung vào các mặt công tác then chốt như tăng cường công tác quản lý thủy nông, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản thủy lợi; đã đưa vào quản lý hạch toán trên 40 công trình với năng lực thiết kế tưới trên 20.000 ha, khai thác tưới được 12.000 ha, thu thủy lợi phí được 1.100 tấn.  Công tác chỉ đạo phát triển công trình thời vụ được kịp thời; sử dụng tốt lực lượng máy bơm xăng dầu, phát triển trạm bơm điện nhỏ, v.v…Năm 1982 đã sử dụng 1.483 tấn xăng dầu để tưới cho 24.740 ha. Một số nơi có điều kiện về nguồn điện, HTX đã mạnh dạn xây dựng trạm bơm điện nhỏ (mỗi trạm từ 2 – 4 máy bơm loại 1.000 m3/giờ). Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 20 trạm bơm điện nhỏ gồm 50 máy tưới được 6.210 ha/vụ.

Phong trào đào ao vét giếng, sử dụng gàu sồng vẫn được duy trì và phát triển để chống hạn cho trên 7.700 ha (chủ yếu là cuối vụ Hè thu và vụ mùa). Tuy nhiên trong thời gian này, nhiều huyện, xã, HTX chỉ mới chú trọng xây dựng công trình tạo nguồn nước, nhưng chưa có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về quản lý sử dụng nước hợp lý để đạt hiệu quả cao. Phong trào xây dựng đồng ruộng, ứng dụng tưới tiêu khoa học chưa được phát triển rộng rãi. Một số công trình xây dựng xong đưa vào quản lý khai thác còn nhiều tồn tại, chưa kịp thời khắc phục như: cống bị rò rỉ, kênh mương chưa hoàn chỉnh, công trình đầu mối có sai sót về kỹ thuật, v.v… nên chưa phát huy hết diện tích, công trình. Diện tích tưới tự chảy mới chiếm tỷ lệ 48%, trong đó tưới bằng các công trình kiên cố chỉ mới chiếm tỷ lệ 17%; (diện tích chưa khai thác hết theo năng lực thiết kế gần 8.000 ha); diện tích tưới bằng công trình tạm chiếm gần 30%; diện tích tưới bằng bơm điện, xăng dầu chiếm đến 20% và diện tích tưới bằng ao giếng chiếm 13%; do đó chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích kể cả cho lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

* Đến năm 1983, công trình thủy lợi Hồ Núi Một được xây dựng xong, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ban quản lý thủy nông sông Kôn quản lý khai thác; Với nhiệm vụ được bổ sung lớn hơn, đơn vị được đổi tên thành Xí nghiệp quản lý thủy nông đầu mối Nam Nghĩa Bình. (Đ/c Nguyễn Văn Bằng: Giám đốc Xí nghiệp; Đ/c Nguyễn Sum: Phó giám đốc Xí nghiệp).

            (Từ 1983-1/1989: Đơn vị có tên là Xí nghiệp quản lý thủy nông đầu mối Nam Nghĩa Bình).

Cũng trong thời gian này, các xí nghiệp thủy nông Tuy Phước, An Nhơn, xí nghiệp dịch vụ kỹ thuật trồng trọt Phù Cát, xí nghiệp thủy nông huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ được thành lập và đi vào hoạt động.

            Chủ trương phát triển thủy lợi trong những năm này là vừa tích cực đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi nhỏ, vừa tranh thủ phát triển nhanh các công trình thủy lợi vừa và lớn nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chủ trương đó đúng đắn và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế khách quan, có căn cứ dựa trên cơ sở cân đối giữa khó khăn và yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương trong tỉnh.

            Phong trào làm thủy lợi nhỏ đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và toàn diện; đã động viên được khí thế cách mạng của quần chúng, phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường của nhân dân trong công tác làm thủy lợi.

            Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh, qua 10 năm làm công tác xây dựng thủy lợi (1975-1985), tỉnh Nghĩa Bình đã tập trung sức làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; vận dụng phương châm thủy lợi “nhân dân và nhà nước cùng làm”, tranh thủ sự chi viện của Trung ương, phát huy tinh thần tự lực của địa phương. Toàn tỉnh đã hoàn thành trên 268 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 1.724 x 10 6 đồng; nâng năng lực thiết kế tưới nước lên 66.866 ha, tiêu úng 3.650 ha, ngăn mặn 5.312 ha, trong đó riêng công trình xây dựng cơ bản có 52 công trình với tổng vốn đầu tư 708 x 106 đồng (trong đó Trung ương chi viện 324 x 106 đồng) gồm 26 hồ chứa nước với dung tích tưới 150 x 106 m3 nước, 17 đập dâng khai thác được với lưu lượng 18 m3/s, một trạm bơm, 50 km đê ngăn mặn, 30 tràn xã lũ, 16 cống tiêu nước và 1 công trình thủy lợi kết hợp thủy điện với công suất 60 KW, với năng lực thiết kế tưới là 43.400 ha, tiêu úng 2.450 ha, ngăn mặn 5.312 ha. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực tự cường của nhân dân địa phương hoàn thành 216 công trình thủy lợi nhỏ, bao gồm 116 hồ chứa nước có dung tích 95 x 10 6 m3 nước, 68 đập dâng, 32 trạm bơm điện nhỏ có năng lực thiết kế tưới 22.477 ha, tiêu úng 1.200 ha. Ngoài ra còn giúp đỡ nhân dân địa phương duy trì các công trình thời vụ như 150 bờ cừ, 1.500 đập bổi, 170 bờ xe nước và hàng vạn ao giếng, 350 máy bơm dầu; triệt để tận dụng thêm nguồn nước mạch để chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

            Kết quả công tác xây dựng và khai thác thủy lợi trong 10 năm 1975-1985 đã phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc mở rộng diện tích cây lúa từ 162.960 ha năm 1976 tăng lên 195.695 ha năm 1985. Phục vụ thâm canh tăng năng suất, đưa năng suất lúa bình quân từ 21,7 tạ/ha năm 1976 tăng lên 29,1 tạ/ha năm 1985. Nâng tổng sản lượng lương thực từ 353.950 tấn năm 1976 lên 660.000 tấn năm 1985.

            Tác dụng nổi bật của công tác thủy nông trong những năm này chẳng những bảo đảm đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa vụ Đông xuân mà còn góp phần chuyển vụ lúa Hè thu thành vụ chính trong năm; với diện tích 26.800 ha năm 1976 tăng lên 57.000 ha năm 1985, tăng năng suất vụ Hè thu từ 25,4 tạ/ha năm 1976 lên 36,4 tạ/ha năm 1985; đồng thời chuyển dần lúa mùa gieo sang cấy đạt năng suất cao, từ 22.000 ha năm 1976 lên 30.000 ha năm 1985.

            Công tác xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy việc hoàn chỉnh dần dần hệ thống thủy nông, cải tạo và xây dựng đồng ruộng trên 20.000 ha, tạo nên một số vùng chuyên canh cao sản như vùng đồng bằng sông Kôn 12.000 ha, vùng đồng bằng sông Latinh 7.000 ha, vùng đồng bằng sông Lại Giang 500 ha; các vùng chuyên canh rau màu, cây công nghiệp tập trung có giá trị kinh tế cũng được hình thành. Nhiều huyện trước đây khô hạn, đời sống khó khăn, nay đã vươn lên thành huyện khá, sản xuất nông nghiệp tăng, chẳng những đủ lương thực trang trải cho nhân dân mà còn làm nghĩa vụ cho Nhà nước như: Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài An.

            Năm 1986, Tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cho Xí nghiệp quản lý khai thác thủy nông nam Nghĩa Bình: Cấp nước đầu kênh (theo hợp đồng kinh tế ký kết với xí nghiệp quản lý thủy nông cấp huyện) đảm bảo tưới diện tích gieo trồng 2 vụ là: 27.800 ha, trong đó vụ Đông xuân: 13.580 ha, vụ Hè thu: 13.002 ha. Mức trích thu thủy lợi phí bằng 40% so với tổng thu; Lương thực nhập kho Nhà nước: 1.041 tấn, giá trị lương thực nhập kho: 2.186.100 đồng; Nộp qũy thủy nông sau khi khấu trừ các khoản sửa chữa, bảo dưỡng công trình và các chi phí khác còn lại nộp qũy thủy nông 1.186.100 đồng. Tính đến thời điểm này, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức lao động của Xí nghiệp là 30 người.

            Năm 1987, Xí nghiệp quản lý thủy nông đã đạt doanh thu thủy lợi phí là 10 triệu đồng (tính theo giá thóc 11 đồng/kg). Cấp nước tưới cho các loại cây trồng: 26.000 ha, trong đó tưới cho lúa: 25.000 ha. Xây dựng cơ bản và sửa chũa lớn các công trình như: Đập Bảy yển, Đập Tháp Mão, Đầu kênh Cẩm Văn, Kênh tiêu 3 xã thuộc các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát; Xí nghiệp nộp qũy thủy nông 2 triệu đồng.

            Năm 1988, vào vụ Đông xuân 1987-1988 nhiều vùng trong tỉnh bị lũ lớn làm hư hỏng nhiều hệ thống kênh mương; cuối vụ Hè thu và vụ mùa bị hạn nặng gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và diện tích gieo cấy; Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Thủy lợi đã tập trung vốn, vật tư để đẩy mạnh tiến độ thi công hoàn thành một số hạng mục công trình trọng điểm, đảm bảo yêu cầu vượt lũ; Bộ Thủy lợi và một số ngành Trung ương đã quan tâm hỗ trợ một phần vốn, vật tư, nhiên liệu cho xây dựng và chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

            Trong vụ Đông xuân 1987-1988, diện tích gieo cấy lúa được tưới: 81.443 ha đạt 100% diện tích gieo trồng và bằng 102% so với năm trước đó, nhưng so với chỉ tiêu kế hoạch mới đạt 97% vì do lũ lớn đầu vụ  làm cho một số diện tích bị sa bồi thủy phá chưa khắc phục kịp thời. Diện tích tưới tự chảy bằng công trình kiên cố là 3.309 ha đạt 58,6%. Vụ Hè thu diện tích tưới 56.819 ha đạt 97% diện tích gieo trồng, trong đó tưới tự chảy bằng công trình kiên cố là 27.480 ha đạt 82% kế hoạch; Tưới bằng bơm các loại: 16.830 ha đạt 100,5% kế hoạch. Vụ Mùa diện tích gieo và cấy là 60.835 ha, trong đó theo kế hoạch yêu cầu tưới là 41.100 ha, nhưng thực tế do hạn hán kéo dài; nhiều hồ chứa, đập dâng, lưu lượng cơ bản trên sông xuống đến mức kiệt, tổng diện tích gieo cấy thiếu nước trên 30.000 ha, trong đó có khoảng 10.400 ha bị mất trắng; vì vậy diện tích tưới tự chảy bằng công trình kiên cố chỉ đảm bảo 11.500 ha đạt 62,3% kế hoạch, còn lại chủ yếu là dùng máy bơm nhưng cũng không đủ nước để bơm suốt vụ.

            Tính đến thời điểm năm 1988, toàn tỉnh đã hình thành 8 xí nghiệp và 6 Ban quản lý thủy nông, trong đó có 1 xí nghiệp trực thuộc Sở đó là Xí nghiệp quản lý thủy nông đầu mối nam Nghĩa Bình; còn lại ở một số địa phương và ở các huyện miền núi  do diện tích gieo cấy ít, chủ yếu tưới bằng công trình tạm, thời vụ, nên giao cho bộ phận thủy lợi của huyện chịu trách nhiệm.

            Hàng năm các xí nghiệp và Ban quản lý thủy nông đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác điều hoà nước hợp lý, đảm bảo được cơ cấu và thời vụ gieo trồng, góp phần vào việc giải quyết lương thực, thực phẩm ở từng địa phương. Sau đợt lũ lớn xảy ra vào tháng 11 năm 1987, các hệ thống kênh mương và công trình trên kênh hỏng nặng được khắc phục kịp thời, đã đảm bảo yêu cầu sản xuất vụ Đông xuân 1987-1988  đạt kết quả tốt. Xí nghiệp quản lý các hồ lớn đã dùng vật liệu ở tại nơi để nâng cao tràn, tăng dung tích hữu ích hồ chứa, tiêu biểu như hồ Núi Một trữ thêm 10.106 m3 nước, góp phần ổn định nhu cầu dùng nước trong sản xuất nông nghiệp.

            Thời gian này, các xí nghiệp và Ban quản lý thủy nông đã thực hiện các chế độ hạch toán; Tổng số thóc thu thủy lợi phí cả năm được 5.090 tấn đạt 112% kế hoạch; tuy nhiên do cơ chế giá và mức thu thủy lợi phí quá thấp, năm 1988 bình quân thu 141,25 kg thóc/ha và giá thóc thủy lợi phí bình quân 220 đ/kg; đồng thời vật tư không được cân đối trong kế hoạch và thường xuyên biến động tăng giá nên đã ảnh hượng trực tiếp đến nguồn kinh phí để duy tu và bảo dưỡng công trình thủy lợi. Xí nghiệp quản lý thủy nông nam Nghĩa Bình đã mạnh dạn tiến hành giao khoán từng khu tưới, từng công việc và thu thủy lợi phí cho đội ngũ cán bộ, công nhân của xí nghiệp.



         Tin khác
         Tìm kiếm tin tức
         Video
Lễ đón nhận huy chương
         Thống kê người dùng
   Đang truy cập:               4
   Tổng số lượt truy cập: 690854
Bản quyền thuộc về : Công ty TNHH Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Tỉnh Bình Định.
Địa chỉ : 228 Nguyễn Văn Linh, Phường Nhơn Hòa, Thị Xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định
Điện thoại : 0256. 3835274 – Fax: 056. 3835913
Email: khaithacthuyloibd@yahoo.com.vn - bbtthuyloi@gmail.com