I- Đặc điểm tình hình của tỉnh Bình Định sau  khi tái lập tỉnh năm 1989:

            Ngày 04/3/1989 Bộ Chính trị đã có quyết định số 83/QĐ-TW chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.

            Ngày 30/6/1989 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá VIII đã thông qua quyết định tách tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.

            Sau khi tái lập, tỉnh Bình Định có những điều kiện thuận lợi cơ bản. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc là thành phố Quy Nhơn và 10 huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Tổng diện tích vẫn được giữ nguyên như trước ngày hợp nhất. Dân số trong tỉnh có 1.246.178 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 23.451 người. Mật độ dân số 206 người/km2.

            Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương (khoáVI) khẳng định đường lối đổi mới toàn diện của Đảng là đúng đắn, sáng tạo. Các cơ chế quản lý và chính sách về kinh tế- xã hội của Nhà nước đang dần được hoàn thiện. Tình hình chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng ổn định. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, quản lý của chính quyền, động viên, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từng bước được nâng lên. Quy mô về dân số và diện tích của tỉnh là vừa phải, đã tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của chính quyền tỉnh được sâu sát, hiệu quả hơn. Đảng bộ và nhân dân Bình Định giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, phấn đấu vượt qua khó khăn, tạo thế và lực để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

            Tỉnh Bình Định có nguồn lao động dồi dào để phát triển nông nghiệp toàn diện; có một số tài nguyên, khoáng sản phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển, các công trình thủy lợi, …) được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Bình Định có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi biển đẹp và hệ thống di tích lịch sử-văn hoá, di tích cách mạng phong phú, liên hoàn để phát triển du lịch; Đó là những tiềm năng, thế mạnh để Bình Định tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới.

            Bên cạnh những thuận lợi sau khi tái lập, tỉnh Bình Định cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: Bình Định vẫn là một tỉnh nông nghiệp. Công nghiệp địa phương nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều cơ sở kinh tế làm ăn thua lỗ. Công nghiệp tác động vào nông nghiệp, nông thôn không đáng kể nên năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp còn rất thấp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém. Thiên tai, hạn hán, bão lụt liên tiếp xảy ra. Tập quán canh tác lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Hậu quả của thời kỳ bao cấp, tâm lý ỷ lại vẫn đang ảnh hưởng nặng trong nhận thức, phong cách lãnh đạo của một bộ phận cán bộ, đảng viên và suy nghĩ của nhân dân chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường có chiều hướng phát triển.

            Từ phân tích những thuận lợi và khó khăn của một tỉnh mới tái lập; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương chính sách phù hợp với đặc điểm tình hình lúc bấy giờ, để ổn định và phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

II- Quá trình xây dựng và phát triển của công ty giai đoạn (1989 – 1995):

            Sau khi tái lập tỉnh Bình Định năm 1989; một trong những công tác quan trọng của tỉnh là rất chú trọng đầu tư cho công tác thủy lợi để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống thủy nông là một hệ thống tổng thể hoàn chỉnh không thể chia cắt được, phải quản lý thống nhất toàn hệ thống, theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật; đồng thời phải thích ứng với tình hình biến động của thiên nhiên, của sản xuất nông nghiệp.  

Để đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất hệ thống công trình thủy lợi; Đầu năm 1989,Ủy ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình đã ra quyết định số 347/QĐ-UB ngày 28/2/1989 về việc giải thể các xí nghiệp thủy nông: Đầu mối Sông Kôn – Núi Một, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, thành lập Công ty Quản lý thủy nông Nam Nghĩa Bình (Đ/c Lê Văn An: Giám đốc công ty).

(Từ 2/1989 - 6/1989: Đơn vị có tên là Công ty Quản lý thủy nông Nam Nghĩa Bình).

            Sau khi tách hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, thì từ tháng 7/1989 đến tháng 1/1993 công ty được đổi tên là Công ty Quản lý thủy nông Bình Định (Đ/c Lê Công Quán – Phó giám đốc phụ trách).

(Từ 7/1989 - 1/1993: Đơn vị có tên là Công ty Quản lý thủy nông Bình Định).

            Vốn ban đầu của công ty Quản lý thủy nông Bình Định từ ngày có quyết định thành lập số 347/QĐ-UB ngày 28/2/1989 chủ yếu là giá trị tài sản cố định bao gồm: hồ chứa nước, đập dâng, cổng lấy nước trên kênh, điều tiết trên kênh, hệ thống kênh mương cấp I và cấp II, kể cả những công trình đã xây dựng trước 30/4/1975. Theo biên bản giao vốn của Sở Tài chính và Sở Thủy lợi thì giá trị tài sản cố định của công ty lúc này là: 42.836.940.050 đồng; Tài sản lưu động: 23.758.041 đồng.

            Trong quá trình phục vụ sản xuất nông nghiệp do yêu cầu sản xuất ngày càng tăng, hằng năm công ty đã sử dụng nguồn thủy lợi phí xây dựng và sửa chữa lớn các công trình thủy lợi để mở rộng diện tích tưới hằng năm.

            Hệ thống các công trình thủy lợi do công ty quản lý trong giai đoạn này là:

-         Hệ thống tưới sông Kôn: 14.000 ha

-         Hồ Núi Một                    :  5.000 ha

-         Hồ Long Mỹ                   :     150 ha

-         Hồ Hội Sơn                     : 4.100 ha

-         Hồ Thạch Bàn                 :      45 ha

-         Hồ Suối Tre                     :    200 ha

-         Hồ Diêm Tiêu                 :     300 ha

-         Hồ Đập Lồi                     :       40 ha

-         Tưới Lại Giang               :  3.300 ha

-         Hồ Thiết Đính                 :       74 ha

-         Hồ cự Lễ                         :        30 ha

-         Hồ Phú Khương              :      100 ha

-         Hồ Hóc Hảo                    :        65 ha

-         Hồ Hòn Lập                    :      196 ha

-         Hồ Thạch Khê                :      350 ha

Cơ sở ban đầu của công ty là trạm quản lý thủy nông Thạnh Hoà đóng tại địa bàn xã Nhơn Hoà – huyện An Nhơn – tỉnh Bình Định. Sau đó trụ sở của công ty được xây dựng năm 1990 và đã được sử dụng từ tháng 11/1991. Trụ sở công ty chia làm 3 khu vực: khu nhà làm việc, khu nhà kho, khu nhà ở của CBCNVC, tổng diện tích 3 khu vực là 2.309 m2.

Từ ngày thành lập công ty, việc bố trí sắp xếp các trạm, cụm quản lý để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quản lý tốt các công trình thủy lợi. Các trạm, đội của công ty bao gồm: Trạm Núi Một, trạm QLTN Thạnh Hoà, trạm QLTN Thạch Đề, trạm QLTN Hội Sơn, trạm QLTN Phù Mỹ, trạm QLTN Hoài Nhơn, trạm QLTN Hoài Ân, trạm QLTN Vĩnh Thạnh, Đội đê.

Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ thành lập công ty, chỉ tiêu kế hoạch ngành giao hằng năm, thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước qua từng giai đoạn, phục vụ sản xuất nông nghiệp dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành (Sở Thủy lợi), công ty đã xây dựng tổ chức lực lượng lao động để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước qua từng thời kỳ:

- Lực lượng ban đầu mới thành lập tổng số 122 người: trong đó: + Ban giám đốc 3 người (2 đại học, 1 trung cấp): Giám đốc phụ trách chung, 1 phó giám đốc phụ trách kinh tế, 1 phó giám đốc phụ trách kỹ thuật.

+ Các ban phòng gồm 31 người (3 đại học, 28 trung cấp): phòng tổng hợp 11 người, phòng tài vụ 5 người, phòng kỹ thuật 15 người.

+ Các trạm quản lý thủy nông gồm 5 trạm: Thạch Đề, Tháp Mão, Núi Một, Thạnh Hoà, Hội Sơn. Mỗi trạm có 1 trạm trưởng, 1 trạm phó phụ trách quản lý và điều hành, tổng số 88 người (4 đại học, 7 trung cấp, 77 công nhân).

- Lực lượng lao động công ty năm 1990: 141 người, năm 1991 số lao động của công ty tăng lên 218 người: Ban giám đốc 4 người, phòng tổng hợp 13, phòng kỹ thuật 16, phòng tài vụ 7, Trạm Thạnh Hoà 31, Trạm Thạch Đề 28, Trạm Núi Một 22, Trạm Hội Sơn 27, Trạm Hoài Nhơn 28, Trạm Hoài Ân 11, Trạm Phù Mỹ 10, Trạm Vĩnh Thạnh 5, Đội đê đông 15.

Trong 3 năm (1989-1991) thực hiện nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty gặp rất nhiều khó khăn nhất là tình hình thời tiết thay đổi; phần lớn các công trình, hệ thống thủy lợi chịu hậu quả trực tiếp của thiên tai bão lụt, xuống cấp và hư hại. Kết quả trong 3 năm thực hiện kế hoạch nhà nước giao, doanh số thực hiện của công ty đạt được như sau: năm 1989: 1.285 triệu đồng, năm 1990: 1.917 triệu đồng, năm 1991: 7.469 triệu đồng.

Giai đoạn này công ty hoạt động theo phương thức thu chi và nộp ngân sách cho tỉnh là chủ yếu, chưa hạch toán được giá thành sản phẩm nên chưa tính được lợi nhuận. Nguồn vốn hoạt động của công ty bằng nguồn thu thủy lợi phí hằng năm để sửa chữa thường xuyên và nâng cấp, xây dựng công trình và chi phí cho công tác quản lý hành chính. Sản phẩm chủ yếu của đơn vị là tập trung và giữ nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch của Nhà nước (chủ yếu là HTX nông nghiệp, xí nghiệp nuôi cá, bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái…) theo hợp đồng tưới từng vụ, đến cuối vụ kiểm tra đánh giá khả năng phục vụ tưới để nghiệm thu.

            Năm 1991, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho sát nhập các xí nghiệp thủy nông huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn vào công ty (Quyết định số 215/QĐ-UB ngày 01-3-1991 v/v chuyển giao các xí nghiệp Thủy nông Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn về Sở Thủy lợi trực tiếp quản lý).

            Năm 1993, Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Nghị định 388/HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng (tại quyết định số 229/QĐ-UB ngày 14 tháng 01 năm 1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định).

            Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình định có nhiệm vụ quản lý khai thác toàn bộ các hệ thống công trình thủy lợi trên phạm vi toàn tỉnh được xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng giá trị tài sản cố định 108 tỷ đồng; năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp 5 vạn ha/năm; ngoài ra còn cung cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác.

Ngày 25 tháng 6 năm 1993, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định bổ sung nhiệm vụ cho công ty tại quyết định số 2100/QĐ-UB: công ty được khảo sát thiết kế, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thuộc phạm vi quản lý của công ty và phân cấp của Sở Thủy lợi.

            Cơ cấu tổ chức bộ máy của công ty lúc này gồm: 01 giám đốc, 02 phó giám đốc; các phòng chức năng gồm:

-         Phòng tổng hợp

-         Phòng kế toán tài vụ

-         Phòng kỹ thuật

Các đơn vị sản xuất gồm:

- Trạm thủy nông Hoài Ân

- Trạm thủy nông Hoài Nhơn

- Trạm thủy nông Phù Mỹ

- Trạm thủy nông Hội Sơn

- Trạm thủy nông Thạch Đề

- Trạm thủy nông Tháp Mão

- Trạm thủy nông Thạnh Hoà

- Trạm thủy nông Núi Một

- Trạm thủy nông Vĩnh Thạnh           

Để triển khai thực hiện phương hướng kế hoạch các năm 1992-1995, công ty đã tổ chức các biện pháp cụ thể:

- Về tổ chức bộ máy: phân công nhiệm vụ từng cá nhân từ lãnh đạo đến CBCNVC, làm việc phát huy sáng kiến và cải tiến khoa học kỹ thuật; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCNVC, tổ chức đi học nâng cao tay nghề. Giảm lực lượng gián tiếp còn 8 – 10%, ngoài lực lượng lao động chính của công ty, khi có nhu cầu phục vụ sản xuất đã thực hiện chính sách hợp đồng lao động dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để bổ sung.

- Về công tác tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất: trên cơ sở nguồn thu thủy lợi phí của toàn tỉnh và xin nguồn vốn của trung ương để xây dựng công trình nhằm hoàn thiện khu tưới và mở rộng diện tích tưới hằng năm.

- Về công tác tưới tiêu: công ty đã tiến hành lập sổ bộ thu, trên cơ sở lập hợp đồng tưới tiêu từng vụ, thanh lý hợp đồng từng vụ để kiện toàn hệ thống tưới. Kiện toàn và hoàn chỉnh hệ thống công trình để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, bảo vệ hệ thống kênh mương thông suốt. Công ty cũng đã kết hợp tốt với các ban ngành có liên quan để tạo điều kiện cho công tác phân phối nước được kịp thời và tiết kiệm.

Để mở rộng diện tích tưới, hằng năm công ty đã đầu tư nâng cấp công trình, kéo dài và hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, nhờ đó diện tích tưới hằng năm tăng từ 1.000 ha đến 1.500 ha: diện tích tưới cả năm (gồm vụ đông xuân, vụ hè thu, vụ mùa) năm 1992: 47.500 ha, 1993: 48.900 ha, 1994: 49.900 ha, 1995: 51.400 ha.

- Về công tác thu chi thủy lợi phí: công ty đã kết hợp với chính quyền các địa phương tăng cường biện pháp thu thủy lợi phí. Kết quả thu thủy lợi phí năm 1992: 9.597 triệu đồng, năm 1993: 13.438 triệu đồng, năm 1994: 14.606 triệu đồng, năm 1995: 14.628 triệu đồng.

Để đảm bảo việc tưới tiêu và thu thủy lợi phí đạt kết quả tốt, công ty đã tham mưu cho ngành thủy lợi trong công tác chi để bảo dưỡng, đảm bảo tuổi thọ các công trình; nâng cấp các công trình để phát huy năng lực và mở rộng diện tích tưới. Ngoài ra còn điều tiết vốn những nơi thuận lợi sang những nơi khó khăn để phát triển đồng bộ.

Ngày 31 tháng 8 năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Trong năm 1994, công ty đã thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch giao, diện tích tưới tiêu đạt 49.900 ha, đây là mức thực hiện cao nhất của công ty so với những năm trước đó. Công ty đã có nhiều nỗ lực và phấn đấu làm tốt nhiệm vụ phân phối nước cho hai vụ chính trong năm; nhất là các biện pháp cấp nước cho cây trồng vào những thời điểm căng thẳng về yêu cầu nước ở giai đoạn giữa, cuối vụ hè thu và đầu vụ mùa; trong năm này hệ thống sông Kôn vẫn thiếu nước nhưng nhờ có công trình thủy điện Vĩnh Sơn cấp bổ sung nước xuống sông Kôn vào cuối vụ Hè thu.

Công tác quản lý công trình bước đầu đã đi vào nề nếp; công ty đã có những biện pháp đầu tư thích đáng để tăng cường chất lượng quản lý của cán bộ, công nhân như cho đi đào tạo, thi nâng bậc thợ, tay nghề cho công nhân. Quản lý vận hành công trình tuân theo các qui trình qui phạm của ngành. Thực hiện chỉ thị 02/CT-TN ngày 12 tháng 3 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ thủy lợi về việc đánh giá lại các hồ chứa nước, tiến đến lập qui trình vận hành cho các công trình đầu mối, v.v…

Về công tác sữa chữa các công trình trong hệ thống thủy lợi do công ty quản lý; có nhiều hạng mục, công trình bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được duyệt để sửa chữa kịp thời như: Đập Thông Chín, đập An Thuận, xi phong TAX3, v.v…

Bước vào năm 1995, căn cứ theo kết quả quan trắc của đài khí tượng thủy văn Bình Định – Quảng Ngãi, cũng như số liệu của các điểm đo mưa  chuyên đề của công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định thì lượng mưa trong năm ít, cho nên lượng nước các hồ chứa rất thấp chỉ đạt vào khoảng 65% dung tích thiết kế. Do tình hình nguồn nước bị hạn chế nên công ty đã báo cáo với UBND tỉnh Bình Định, Sở Thủy lợi về khả năng sử dụng nguồn nước để đạt được hiệu quả tưới cao nhất. Lãnh đạo Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn công ty quán triệt cho toàn thể cán bộ, CNVCLĐ toàn công ty ý thức được đây là công tác quan trọng hàng đầu của công ty với mục đích duy nhất là nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nếu quản lý tốt nguồn nước, phân phối một cách hợp lý thì ngoài việc tiết kiệm được lượng nước trong khi nguồn bị thiếu, còn làm tăng sản lượng cây trồng và mở rộng diện tích tưới, cũng như bảo vệ công trình tránh những hư hỏng do nguyên nhân chủ quan. Do vậy mà từ đầu năm căn cứ vào lượng nước sẵn có ở các hồ chứa, tính toán dự kiến nguồn nước đến dựa trên cơ sở thủy văn nguồn nước và lập kế hoạch dùng nước cho từng đơn vị, từng hệ thống kênh; công tác này được quản lý một cách chặt chẽ từ Trạm đến công ty; đồng thời cũng thông báo và làm việc cụ thể từng đơn vị dùng nước. Đặc biệt trong năm 1995 là năm mà tỉnh ta chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng và chỉ đạo sát với mùa vụ sản xuất nông nghiệp cho nên đòi hỏi nhiệm vụ của công tác quản lý nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phải có sự chuyển biến thích ứng với điều kiện phát triển xã hội.

Trong vụ Đông xuân 1995, nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, Sở Nông Lâm, Sở Thủy lợi, UBND các huyện về lịch thời vụ gieo trồng, cho nên các hệ thống công trình thủy lợi đều đã được nạo vét, sửa chữa xong và phục vụ đúng lịch gieo sạ.

Trong vụ Hè thu, căn cứ vào tình hình lượng nước ở các hồ chứa và lượng nước đến các đập dâng, các trạm quản lý thủy nông đã tiến hành cân đối lượng nước, lập kế hoạch cấp nước cho từng đơn vị và làm lịch tưới cho từng HTX dùng nước, các trạm đã chủ động bàn bạc cùng với các địa phương trong khâu điều hành nước và phiên thứ cụ thể. Đặc biệt trong vụ Hè thu ở một số nơi căng thẳng về nước tưới như hệ thống Lại Giang, hệ thống sông Kôn, thì công ty đề nghị với UBND tỉnh, Sở Thủy lợi và đã thành lập Hội đồng phân phối nước do đồng chí phó chủ tịch tỉnh Bùi Trần Hà làm trưởng ban và đồng chí Nguyễn Kông – phó giám đốc Sở Thủy lợi làm phó ban, chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc sở nông nghiệp, Điện lực Bình Định làm thành viên; hội đồng phân phối nước thường xuyên họp định kỳ 2 tuần 1 lần đề nghị báo cáo và xử lý trong việc phân nước, cũng như các trạm bơm (có 52 trạm bơm) trên hệ thống sông Kôn cũng được phân định giờ bơm cụ thể.

Trong giai đoạn này công tác đầu tư mở rộng hệ thống thủy lợi vẫn chưa có điều kiện phát huy tốt năng lực thiết kế các công trình cụ thể như: kênh S4, NC, NC1 Phù Cát, kênh N, Nb khu vực sau xi phong Núi Chùa Phù Mỹ thuộc hệ thống Hội Sơn hoặc kênh N1, N1-1 hệ thống Lại Giang, v.v…, hoặc hệ thống tưới của hồ Trường Sơn hầu như không có một công trình xây đúc nào cho nên gây khó khăn cho công tác điều hành, điều phối nguồn nước. Từ thực tế đó, công ty đã đề nghị Sở Thủy lợi và UBND tỉnh và các ngành cho phép công ty được nâng cấp các hệ thống công trình kênh mương để tiết kiệm nước, quản lý vận hành dễ dàng, nâng cao năng lực thiết kế cho từng hệ thống.

Về công tác tiêu úng trong giai đoạn này cũng còn nhiều khó khăn, chưa có nguồn kinh phí thích đáng để đầu tư cho công tác tiêu úng ở các vùng như hạ lưu sông Kôn, khu vực cuối kênh tiêu ba huyện để giải quyết tiêu úng cho trên 1.000 ha vùng này bao gồm các xã: Phước Hoà, Phước Thắng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước); Nhơn Hạnh, Nhơn Phong (huyện An Nhơn); Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng (huyện Phù Cát); cũng như công tác tiêu úng vùng hạ lưu huyện Hoài Nhơn, v.v…

Các hệ thống công trình thủy lợi của công ty quản lý vận hành phục vụ tưới cho hơn 50.000 ha nằm rải rác trong toàn tỉnh từ vùng núi đến đồng bằng, nằm sâu trong rừng xa khu dân cư, có những công trình nằm ngay trong thôn xóm của từng địa phương, nói chung các công trình nằm rải rác trên diện rộng trong toàn tỉnh.

Đối với các công trình đầu mối nằm phân tán không tập trung, các công trình được xây dựng qua nhiều thời kỳ mang tính chắp vá, việc thi công công trình không đảm bảo chất lượng, do vậy không ít nhiều cũng bị hư hỏng trong vận hành làm thất thoát nguồn nước; hầu hết các công trình đầu mối là đập đất dễ bị xuống cấp, bị rò rỉ nước qua thân đập và nền như: Phú Khương, Thạch Khê, Hóc Hảo, Suối Tre, Long Mỹ, Hội Sơn, Núi Một, v.v…

Các hệ thống đập dâng cũng được xây dựng qua nhiều thời kỳ, có những công trình xây dựng từ năm 1970 như: đập Bình Thạnh, đập Thạch Đề, v.v…nên bị hư hỏng nhiều; có những công trình bị nước thấm chảy ngang qua thân đập và nền đập như: đập Bảy Yến, Thạnh Hoà II; do nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa lớn hằng năm quá ít dẫn đến số lượng công trình mỗi ngày một hư hỏng nhiều hơn như: đập An Thuận, Nha Phu, đập Cát, Thông Chín, Thạnh Hoà II, Bảy Yến, Lão Tâm, v.v…

Đối với hệ thống kênh mương,  tính đến thời điểm này chỉ mới xây dựng được 55% so với yêu cầu thiết kế; phần lớn kênh mương do nhân dân tự làm; ngay cả những công trình trên kênh không đảm bảo theo yêu cầu kỷ thuật, chất lượng đất đắp không đảm bảo, nên dễ bị sạt lở, bồi lắng và gây mất nước. Mặt khác do đầu tư chưa triệt để, chưa hoàn chỉnh về mặt kênh tưới nên nhân dân địa phương tận dụng kênh tiêu thiên nhiên để tưới làm tổn thất cột nước và lượng nước để phục vụ tưới trong khi nguồn nước bị hạn hẹp.

Về công tác bảo vệ công trình: nói đến công trình thủy lợi phải nói đến tính phức tạp của nó được trải dài trên diện rộng, chôn sâu trong đất, ngập trong nước, chịu sự tác động của mưa nắng lũ bão, chịu sự tác động phá hoại của con người và súc vật, v.v… Vốn đầu tư cho công trình lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng, nên khi xảy ra sự cố hoặc bị hư hỏng sẽ gây tốn kém tiền của rất lớn, đồng thời đem lại một hậu quả tai hại hoặc có khi gây thảm hoạ cho nhân dân. Nhận thức được vấn đề trên nên công ty rất chú trọng quan tâm đến công tác bảo vệ các công trình thủy lợi, gìn giữ công trình như tài sản của chính mình; vì lẽ đó công ty không cho mọi hoạt động cuốc phá, tác động đến công trình đầu mối như: đánh mìn bắt cá, xe cộ quá tải, hoặc khai thác vật nuôi cây trồng mà có ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình. Công ty thường xuyên nhắc nhở cán bộ CNVC canh gác trực tại các đầu mối và luôn luôn kiểm tra công trình, phát hiện và xử lý kịp thời những hành động xâm hại phá hoại công trình. Tuy nhiên đối với công tác bảo vệ hệ thống kênh mương, do lực lượng quá mỏng nên không kiểm tra được một cách chặt chẽ; vì hệ thống kênh mương chằn chịt và trải rộng trên khắp các địa phương; Hơn nữa do yêu cầu tưới vượt cấp ở các nhánh kênh chính, kênh nhánh hoặc trong điều kiện chống hạn nhân dân địa phương đào, cuốc phá bờ kênh để lấy nước tưới hoặc đặt các ống tre nứa vào bờ kênh gây hư hỏng và xói lở bờ kênh ngày một lớn hơn. Mặt khác ý thức việc bảo vệ công trình công cộng trong nhân dân chưa cao nên có một vài nơi nhân dân tự ý gỡ đá xây lát hoặc thả trâu bò lên xuống lòng kênh gây hư hỏng và xói lở công trình; Để bảo vệ tốt các công trình thủy lợi, công ty đã tham mưu cho sở Thủy lợi và UBND tỉnh tổ chức triển khai pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân trong toàn tỉnh ngày càng ý thức rõ việc bảo vệ và quản lý các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân.

 

Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định trước đây được thành lập trên cơ sở sát nhập các xí nhiệp thủy nông huyện, nhằm đảm bảo nguyên tắc, tổ chức, quản lý khai thác theo hệ thống công trình, không chia cắt ranh giới hành chính; sau khi sát nhập vẫn giữ nguyên bộ máy của  xí nghiệp thủy nông huyện, bổ sung thay đổi một số bất hợp lý, điều chỉnh lại công trình quản lý khai thác theo hệ thống, đổi tên xí nghiệp của huyện trước đây thành trạm quản lý thủy nông hệ thống. Tuy nhiên qua thực tế tổ chức sản xuất đã xuất hiện một số bất cập như: Bộ máy tổ chức phân tán nhiều đầu mối manh mún, địa bàn hoạt động rộng, công trình quản lý phức tạp nên việc chỉ đạo điều hành hoạt động của Ban lãnh đạo công ty nhiều lúc chưa kịp thời.

Từ thực tế đó, để góp phần ổn định nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, ngày 19 tháng 5 năm 1995 công ty đã xây dựng đề án tổ chức, quản lý, hoạt động của công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định và đã được UBND tỉnh phê duyệt: Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định là loại hình doanh nghiệp dịch vụ đặc thù, khai thác cơ sở kinh tế kỷ thuật hạ tầng phục vụ xã hội dân sinh, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, hoạt động theo phương thức hạch toán lấy thu bù chi được nhà nước hỗ trợ tài chính theo quy định của Pháp lệnh quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thực hiện hạch toán tập trung.

Các xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi trực thuộc công ty là đơn vị sản xuất cơ sở, có tư cách pháp nhân, có con dấu được mở tài khoản tại ngân hàng, thực hiện hạch toán kinh tế theo phương thức hạch toán không đầy đủ.

Ngày 20 tháng 12 năm 1995 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ra quyết định số: 2913/QĐ-UB quyết định về việc thành lập các xí nghiệp trực thuộc công ty quản lý khai thác công trình thủy lợigồm:

-Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi I trên cơ sở hợp nhất Trạm thủy nông Hoài Nhơn và Trạm thủy nông Hoài Ân.

-Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi II trên cơ sở hợp nhất Trạm thủy nông Phù Mỹ và Trạm thủy nông Hội Sơn.

-Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi III trên cơ sở hợp nhất Trạm thủy nông Thạch Đề, Trạm thủy nông Tháp Mài và Trạm thủy nông Vĩnh Thạnh.

-Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi IV trên cơ sở hợp nhất Trạm thủy nông Thạnh Hoà và Trạm thủy nông Núi Một.

Xếp hạng Doanh nghiệp: Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Định là Doanh nghiệp Nhà nước hạng II ( Quyết định số 2013/QĐ-UB ngày 30/8/1995 của UBND tỉnh Bình Định).



         Tin khác
         Tìm kiếm tin tức
         Video
Lễ đón nhận huy chương
         Thống kê người dùng
   Đang truy cập:               3
   Tổng số lượt truy cập: 690790
Bản quyền thuộc về : Công ty TNHH Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Tỉnh Bình Định.
Địa chỉ : 228 Nguyễn Văn Linh, Phường Nhơn Hòa, Thị Xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định
Điện thoại : 0256. 3835274 – Fax: 056. 3835913
Email: khaithacthuyloibd@yahoo.com.vn - bbtthuyloi@gmail.com