(Thứ Hai, ngày 17/11/2014 12:11)
Bài viết này tập trung đánh giá kết quả hoạt động của các DN khai thác CTTL trong thời gian gần đây

     Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) khai thác công trình thủy lợi (CTTL) đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy hiệu quả CTTL, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ SX, dân sinh.

Kết quả hoạt động

     Theo số liệu báo cáo của các địa phương trong toàn quốc, diện tích được tưới từ CTTL giai đoạn từ 2008 - 2013 bình quân tăng 5 - 7%. Bình quân mỗi năm, tổng diện tích gieo trồng được tưới cả nước đạt khoảng 9,0 triệu ha, trong đó diện tích trồng lúa đạt 7,1 - 7,3 triệu ha/năm, diện tích rau màu và cây công nghiệp đạt khoảng 1,9 triệu ha.

     Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương trong toàn quốc, diện tích được tưới từ công trình do DN hiện nay chiếm 67% tổng diện tích gieo trồng trên toàn quốc. Vì vậy, hiệu quả mang lại từ CTTL có phần đóng góp quan trọng của các DN khai thác CTTL.

     Bên cạnh đó, việc sửa chữa các CTTL do DN quản lý từng bước được bảo đảm nhờ nguồn kinh phí ổn định từ chính sách miễn, giảm thủy lợi phí. Vì vậy, nhiều hệ thống công trình đã được bảo đảm an toàn, cải thiện được khả năng hoạt động, khắc phục tình trạng xuống cấp, từng bước nâng cao hiệu quả trong hoạt động phục vụ SX và dân sinh.

     Đời sống cán bộ, công nhân viên của các DN khai thác CTTL ngày càng được cải thiện. Theo báo cáo của các DN được khảo sát, thu nhập bình quân đầu người của cán bộ, nhân viên DN khai thác CTTL khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng trong giai đoạn từ năm 2008 - 2012. Đến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của các DN khai thác CTTL cả nước là 5,5 triệu đồng/tháng, tăng 50% so với mức bình quân từ 2008 - 2012.

Những hoạt động chính

     Những kết quả đạt được trên đây là do các DN khai thác CTTL đã triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp và các chính sách khác trong công tác quản lý, khai thác CTTL. Cụ thể như sau:

     - Hầu hết các Cty khai thác CTTL trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi, sắp xếp thành các Cty TNHH MTV Khai thác CTTL theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, khai thác công trình.

     - Một số Cty khai thác CTTL có bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất lao động thông qua việc áp dụng định mức lao động, thực hiện giao khoán công tác vận hành khai thác công trình cho người lao động. Nhiều DN đi đầu đã thực hiện tốt các nội dung này, như Thái Nguyên, Xuân Thủy (Nam Định), Sông Chu (Thanh Hóa), Bình Định, Bình Thuận, TP.HCM.

      - Một số địa phương đã đổi mới phương thức hoạt động trong công tác quản lý, khai thác CTTL, triển khai áp dụng phương thức đặt hàng trong quản lý, khai thác CTTL để tăng cường tính năng động, chủ động cũng như hiệu quả hoạt động của DN (Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang). Nhiều DN (trên 80%) đã mở rộng hoạt động thông qua kinh doanh khai thác tổng hợp lợi, dụng các nguồn lực sẵn có của để tăng nguồn thu.

     - Từng bước chuẩn hoá việc vận hành, khai thác CTTL thông qua việc xây dựng, hoàn thiện để áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp DN chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ tưới, tiêu một cách khoa học.

     Ngoài ra việc áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật còn giúp các DN thuận lợi trong việc thanh quyết toán các khoản chi phí. Theo báo cáo của các địa phương đến nay đã có gần 70% DN đã xây dựng và áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác quản lý, khai thác CTTL.

      - Các tiến bộ KHKT và công tác hiện đại hóa công tác quản lý vận hành công trình đã và đang được triển khai ở một số hệ thống được đầu tư từ nguồn vốn ODA như Dầu Tiếng, Đá Bàn, Phú Ninh, Kẻ Gỗ, Cấm Sơn, Yên Lập.

Một số tồn tại trong hoạt động

Về tổ chức bộ máy

      - Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác CTTL không thống nhất trên toàn quốc. Theo quy định, tổ chức quản lý, khai thác CTTL do nhà nước đầu tư xây dựng là các DN khai thác CTTL. Tuy nhiên, hiện tồn tại nhiều loại hình DN khai thác công trình trên toàn quốc. Điều này khiến cho việc ban hành, áp dụng chính sách trong quản lý, khai thác còn gặp nhiều khó khăn.

      - DN khai thác CTTL ở một số địa phương còn chưa hoàn thiện. Những địa phương này còn thiếu hoặc còn lúng túng trong việc tổ chức bộ máy quản lý, khai thác CTTL trên địa bàn. Vẫn còn một số tỉnh có đủ điều kiện nhưng chưa hoặc không thành lập DN khai thác CTTL trên địa bàn. Do vậy, công tác khai thác CTTL ở các tỉnh này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả công trình. Ở một số địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, công tác quản lý, khai thác CTTL do Chi cục Thủy lợi đảm nhận. Điều này dẫn đến sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý, khai thác.

      - Bộ máy tổ chức của nhiều tổ chức quản lý, khai thác cồng kềnh, chưa tinh gọn đặc biệt là DN khai thác CTTL. Nguồn nhân lực của các DN khai thác CTTL không ngừng tăng. Từ năm 2008 - 2012, tổng cộng số lượng tăng lên là 1.669 người (7%) từ 22.569 người năm 2008 lên đến 24.232 người năm 2012. Trong khi đó, nhiều đơn vị chưa xây dựng hoặc áp dụng định mức lao động chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo báo cáo của các địa phương, hiện còn 30% DN chưa áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật, trong đó có định mức lao động.

Cơ chế hoạt động

      - Mặc dù đã có quy định về phương thức, quy chế cung ứng dịch vụ công ích trong đó có dịch vụ tưới, tiêu nhưng việc triển khai áp dụng vẫn còn bị hạn chế ở nhiều địa phương. Theo quy định này, các hệ thống thủy lợi có quy mô lớn từ liên huyện trở lên thì áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch nhưng theo hướng ưu tiên cho phương thức đặt hàng.

     Tuy nhiên, hiện hầu hết các địa phương đều áp dụng phương thức giao kế hoạch. Hiện nay, cả nước mới có rất ít địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang…) áp dụng phương thức đặt hàng công tác quản lý, khai thác CTTL trên địa bàn cho các DN khai thác CTTL.

      - Về cân đối tài chính hàng năm, nhiều tổ chức quản lý, khai thác CTTL có nguồn thu không bù đắp được chi phí. Theo báo cáo, cả nước trên 50% tổ chức có doanh thu lớn hơn hoặc bằng chi phí. Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến cho hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác CTTL gặp nhiều khó khăn và không chủ động thực hiện được kế hoạch SXKD. Do vậy hiệu quả hoạt động còn bị hạn chế.

      - Phần lớn nguồn kinh phí của các DN khai thác CTTL là từ nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí có thủ tục còn rườm rà, qua nhiều cấp, việc giải ngân kinh phí ở nhiều địa phương còn chậm. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động quản lý, vận hành công trình đặc biệt là việc sửa chữa khắc phục sự cố công trình trong các trường hợp đột xuất.

      Nguồn kinh phí cho sửa chữa công trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều tổ chức chỉ bố trí phần kinh phí cho sửa chữa công trình sau khi đã khấu trừ các khoản chi phí cần thiết và bắt buộc như lương và các khoản theo lương, chi phí quản lý. Nhiều DN chưa chủ động khai thác tổng hợp CTTL cũng như đa dạng hóa ngành nghề SXKD, chưa phát huy và tận dụng hết khả năng cũng như nguồn lực được giao.

      - Trên thực tế, so với mặt bằng các ngành nghề khác, thu nhập cán bộ, công nhân viên thuỷ nông vẫn còn thấp. Một số chế độ liên quan đến đời sống của cán bộ, công nhân viên thủy nông như ăn ca, khen thưởng có nơi còn chưa được thực hiện chưa đầy đủ. Bên cạnh đó việc trích quỹ khen thưởng phúc lợi vẫn chưa được thực hiện đúng theo quy định ở nhiều tổ chức. Một số tổ chức hàng năm vẫn chưa thực hiện được việc trích quỹ khen thưởng phúc lợi như Long An, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Sơn La.

      - Sự phối hợp trong quản lý, vận hành hệ thống giữa DN khai thác và tổ chức hợp tác còn chưa chặt chẽ tại một số địa phương. Mặc dù mối quan hệ đó được quy định thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ tưới, tiêu nhưng việc thực hiện trên thực tế còn kém hiệu quả. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là thiếu sự ràng buộc về kinh tế giữa người cung cấp và bên hưởng lợi từ khi có chính sách miễn giảm thủy lợi phí cũng như sự thiếu sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Từ khó khăn và tồn tại nêu trên, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thuỷ lợi và Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL hiện có, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thuỷ lợi đã và đang chỉ đạo các địa phương, các đơn vị quản lý, khai thác CTTL thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng và giải pháp đã nêu trong Đề án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác; đáp ứng yêu cầu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           


TS Lê Văn Chính (Tổng cục Thủy lợi)
  
Từ ngày: Đến ngày:
         Tin khác
         Tìm kiếm tin tức
         Video
Lễ đón nhận huy chương
         Thống kê người dùng
   Đang truy cập:               4
   Tổng số lượt truy cập: 706822
Bản quyền thuộc về : Công ty TNHH Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Tỉnh Bình Định.
Địa chỉ : 228 Nguyễn Văn Linh, Phường Nhơn Hòa, Thị Xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định
Điện thoại : 0256. 3835274 – Fax: 056. 3835913
Email: khaithacthuyloibd@yahoo.com.vn - bbtthuyloi@gmail.com