(Thứ Năm, ngày 22/01/2015 12:01)

Vĩnh Thịnh, nơi có tuyến kênh Chính Hòn Lập đi qua là một xã miền núi thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Nơi đây, kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập chính từ sản phẩm lúa nước. Chính vì vậy, để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả, đời sống kinh tế của người dân ổn định, nâng cao, kênh Chính Hòn Lập là công trình thủy lợi  trọng yếu, đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển tải, cung cấp nước tưới cho hơn 200 ha lúa mỗi năm và một phần nước sinh hoạt trên địa bàn.

 

     Kênh Chính Hòn Lập trực tiếp lấy nước từ hồ chứa nước Hòn Lập dài 3.141m, được đầu tư xây dựng từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Đứng trước thềm đổi mới của đất nước, điều kiện kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng vô cùng khó khăn, kênh Chính Hòn Lập lúc bấy giờ chỉ có thể được đầu tư bằng kênh đất. Qua mười mấy năm khai thác, vận hành, tuyến kênh đã chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng dùng nước trời thụ động, khi ngập úng, lúc hạn cháy khô đồng, đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương. Nhưng cũng như bao kênh đất khác, kênh Chính Hòn Lập đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình chuyển tải nước tưới như cây cỏ mọc tràn lan làm cản trở dòng chảy; đi qua vùng địa chất thấm mạnh làm tổn thất một lượng nước tưới tương đối lớn vào lòng đất; kết cấu thiếu ổn định nên dễ bị sạt lở, bồi lắng, nhất là mỗi khi mùa mưa lũ xảy ra, hàng năm phải tốn kém kinh phí cho việc nạo vét, tu bổ …

 

     Năm 2000, với chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2000-2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, kênh Chính Hòn Lập là một trong 5 tuyến kênh được đầu tư kiên cố thí điểm bằng nguồn vốn vay. Gần 1,7 tỷ đồng thời giá lúc bấy giờ, toàn bộ tuyến kênh với mặt cắt ngang hình chữ nhật được kiên cố bằng gạch xây, có nắp đậy bằng tấm bê tông cốt thép. Sau khi xây dựng, công trình đã khắc phục được những nhược điểm của kênh đất, vận hành tốt hơn, tiết kiệm được nguồn nước tưới đáng kể…

 

     Tuy nhiên, qua thời gian dài khai thác, lớp gạch xây nằm lâu trong môi trường nước vốn dễ lão hóa đã bị lão hóa, xâm thực nghiêm trọng. Năm 2011, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã cho sửa chữa, khắc phục đoạn đầu của kênh bằng cách đục xờm mạch vữa thối rữa, vệ sinh sạch và sau đó tô trát lại lòng kênh; đồng thời khắc phục những đoạn bị sụp và nâng cao thêm bờ 0,3m bằng bê tông mác 200 đá 1x2 để đảm bảo chuyển tải đủ lưu lượng khi mở rộng thêm diện tích tưới của kênh N1A .

 

     Nhưng tuyến kênh ngày càng bị xuống cấp, hư hỏng nặng hơn. Các mạch vữa bị bong tróc, gạch ngấm nước thối rữa, mủn rục, nhiều đoạn bị sạt lở, sụp đổ, gây thấm rất lớn. Do kênh không đảm bảo khả năng chuyển tải nước tưới, nước bị rò rỉ, thất thoát đã xảy ra hiện tượng thiếu nước, nước bấp bênh làm cho một số diện tích đất cuối nguồn bị bạc màu, cây cối kém sinh trưởng, năng suất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế và an ninh lương thực của bà con nông dân nơi đây. Trước nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của công trình, nếu không kịp thời đầu tư sửa chữa sẽ xảy ra hiện tượng kênh bị phá hỏng nặng hơn, tường bị sụp đổ, sạt mái gây tắc nghẽn dòng kênh, cản trở quá trình dẫn nước tưới, gây hệ lụy không nhỏ đến đời sống sản xuất của bà con. Năm 2013, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã chủ động cho đầu tư sửa chữa 557m kênh với gần 600 triệu đồng. Để tiết kiệm kinh phí, kênh được giữ nguyên hiện trạng gạch xây trước đây, chỉ đục xờm lớp bong tróc bề mặt lòng dẫn cũ và ốp mới lớp bê tông dày 7cm vào. Cứ 10m kênh được làm thành một nhịp, liên kết các nhịp bằng giấy dầu nhựa đường. Mỗi nhịp bố trí các thanh giằng hai bờ kênh và thép neo giữa tường gạch xây cũ với lớp bê tông ốp mới… Tuy kéo dài và nằm trên địa hình gồ ghề, phức tạp, điều kiện thi công khó khăn, đường vào kênh dọc theo bờ nhỏ nên vật liệu xây dựng không thể tập kết đến tận chân công trình mà phải trung chuyển nhỏ lẻ bằng phương tiện thô sơ, nhưng đoạn kênh đã được thi công kịp thời, đảm bảo chất lượng, tiến độ, được đưa vào vận hành khai thác từ vụ Đông Xuân 2013-2014.

 

     Năm 2014, Công ty cũng ưu tiên cho sửa chữa kiên cố chống mất nước tiếp 835m kênh theo kết cấu xây dựng năm 2013 với kinh phí trên 900 triệu đồng. Tính đến nay, công trình thi công đã hoàn thành và đưa vào phục vụ tưới. Dự kiến trong năm 2015, Công ty sẽ tiếp tục cho đầu tư kiên cố hết đoạn cuối tuyến.

 

Đoạn cuối tuyến kênh Chính Hòn Lập dự kiến sẽ cho đầu tư sửa chữa kiên cố trong năm 2015.

Đoạn cuối tuyến kênh Chính Hòn Lập dự kiến sẽ cho đầu tư sửa chữa kiên cố trong năm 2015.                                           (Ảnh: Lê Văn Vũ)

 

     Việc sửa chữa kiên cố kịp thời tuyến kênh Chính Hòn Lập đã đảm bảo sự an toàn và tăng tính bền vững của công trình; phát huy được những lợi thế tích cực trong việc chuyển tải nước trên nền kênh mới, dứt hẳn tình trạng thẩm lậu qua kênh gây tổn thất nước và gây ngập úng vùng ruộng dọc ven kênh. Cuối kênh chấm dứt tình trạng thiếu nước tưới. Bà con nông dân có thể yên tâm, phấn khởi với nguồn nước tưới ổn định để chủ động gieo trồng, thu lại nhiều hơn các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp. Cảnh quan, môi trường thiên nhiên nơi đây được cải thiện. Bộ mặt xã làng ngày càng khởi sắc trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


Hồ Thị Nhàn - Phòng Kỹ Thuật
  
Các tin khác:
  [02-12-2014] Công tác ứng phó bão số 04 tại công trình đầu mối chứa nước Định Bình
  [02-12-2014] Công Ty TNHH KTCT Thủy Lợi Bình Định thực hiện tốt công tác phong chống bão số 4
  [17-11-2014] Kết quả hoạt động của doanh nghiệp thủy lợi
Từ ngày: Đến ngày:
         Tin khác
         Tìm kiếm tin tức
         Video
Lễ đón nhận huy chương
         Thống kê người dùng
   Đang truy cập:               3
   Tổng số lượt truy cập: 706885
Bản quyền thuộc về : Công ty TNHH Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Tỉnh Bình Định.
Địa chỉ : 228 Nguyễn Văn Linh, Phường Nhơn Hòa, Thị Xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định
Điện thoại : 0256. 3835274 – Fax: 056. 3835913
Email: khaithacthuyloibd@yahoo.com.vn - bbtthuyloi@gmail.com